NGÀNH XÂY DỰNG TRONG CHU KỲ MỚI

Đăng bởi:Havavan Havavan - 22/08/2022

NGÀNH XÂY DỰNG TRONG CHU KỲ MỚI

Viết bởi Hà Giang 

Xây dựng là một trong những nhóm Ngành thiết yếu của nền Kinh tế Việt Nam cũng như là TTCK Việt Nam. Sự phát triển của Ngành đi kèm với sự tăng trưởng kinh tế. Hãy cùng AzFin Việt Nam đánh giá triển vọng của Ngành này trong chu kỳ mới nhé!

Đặc thù Ngành Xây dựng

Ngành Xây dựng có 3 đặc điểm chính sau:

  • Thâm dụng lao động: cần kỹ năng & nhân công số lượng lớn để thực hiện dịch vụ;
  •  Rào cản gia nhập thấp: công nghệ giữa các DN khá tương đương, bên cạnh đó trình độ nhân công không chênh lệch nhiều;
  •  Ngành phân mảnh: chưa có 1 DN nào chiếm thị phần lớn nhất trong Ngành, lớn nhất là CTD hiện đang có thị phần 7-8%, sau đó đến HBC với thị phần 5-6%,…
Chuỗi giá trị Ngành Xây dựng (Nguồn: FPTS)

Điểm cộng cho Ngành trong chu kỳ mới:

  • Nguồn cung mới thúc đẩy Ngành: Backlog cuối năm 2021 có thể đảm bảo doanh số phục hồi trong năm 2022. Trong năm 2021, CTD và HBC có giá trị hợp đồng mới khoảng 25 nghìn tỷ đồng và 18 nghìn tỷ đồng, gấp 3,6 lần và gấp 2 lần so với năm 2020. Với giá trị hợp đồng mới, cả CTD và HBC sẽ ghi nhận backlog cuối năm 2021 tăng mạnh 25 nghìn tỷ đồng (gấp 2,7 lần so với cùng kỳ) và 21,4 nghìn tỷ đồng (+65% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, chúng ta cũng thấy nhu cầu Xây dựng tăng lên từ sự gia tăng sản lượng tiêu thụ Nguyên vật liệu xây dựng, cụ thể như thép của Tập đoàn Hòa Phát.  

  • Đầu tư công – lan tỏa giá trị đến Ngành: Quốc hội mới đây đã thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022-23 với tổng quy mô lên tới 347.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,2% GDP 2021. Đáng chú ý, nguồn vốn thực hiện nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng lên tới 113.850 tỷ đồng (chiếm 30% tổng quy mô Chương trình Phục hồi).

Với gói Đầu tư công như trên, toàn bộ các nhóm Ngành trong nền Kinh tế sẽ được hưởng lợi, có thể kể đến như các DN Xây dựng hạ tầng, Nguyên vật liệu Xây dựng, tiếp đó là BĐS. Khi xu hướng BĐS ven đô trở nên nổi trội, nhu cầu xây dựng tăng lên và các DN xây dựng tiếp tục được lan tỏa giá trị.

Giá trị ký mới & Backlog của các DN Xây dựng (Nguồn: SSI)
  • Pháp lý là chìa khóa cho Ngành Xây dựng:

(1) Luật Đất đai sẽ sửa đổi trong năm 2022, trước khi hoàn thành vào tháng 5/2023. Các điểm sửa đổi kỳ vọng sẽ có quy định cụ thể về hệ số đền bù giá đất nhằm giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng.

(2) Kỳ vọng Luật Đầu tư 2020 có những thay đổi về một số quy định có thể phân cẩm thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh.

Nhưng chúng ta cũng không thể quên những rủi ro tồn đọng của Ngành Xây dựng:

  • Chi phí Nguyên vật liệu & Nhân công tăng cao:  Đầu vào của ngành xây dựng gồm ba yếu tố: nguyên vật liệu, nhân công và máy móc. Do đặc thù của ngành phụ thuộc vào từng dự án cụ thể, cơ cấu chi phí xây dựng thường không ổn định mà biến động theo từng dự án, doanh nghiệp và thời kỳ. Trên trung bình, chi phí nguyên vật liệu thường đạt khoảng 70% chi phí sản xuất kinh doanh, còn lại chi phí nhân công 20% và máy móc xây dựng 10%.

Trong đó, thép và xi măng là 2 nguyên liệu chiếm tỷ trọng cao nhất trong Nguyên vật liệu. Diễn biến tăng giá của các loại Nguyên vật liệu khiến biên gộp của các DN thu hẹp.

Về Chi phí nhân công, Chi phí nhân công trong ngành sẽ phụ thuộc lớn vào mức lương tối thiểu vùng do đại bộ phận lao động trong ngành là lao động phổ thông, mùa vụ. Mức lương tối thiểu vùng đang có xu hướng tăng lên theo từng năm.

Tương quan giá thép & Biên gộp của các DN Xây dựng (Nguồn: SSI)
Lương tối thiểu vùng

Pháp lý vẫn luôn là một “nút thắt” của Ngành:

(1) Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế ngôi nhà thứ 2, thứ 3 để tránh đầu cơ BĐS;

(2) Luật Nhà ở 2014 vẫn chưa quy định về việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với chủ đầu tư có quyền sử dụng đất 100% là đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Với các quy định trên, các dự án BĐS nhà ở tiềm năng trong tương lai có thể sẽ bị hạn chế.

Hành động của Nhà Đầu tư

  • Ngành Xây dựng dường như đã bị “lãng quên” trong thời gian vừa qua. AzFin cho rằng trong chu kỳ mới Ngành sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ “thiên thời” vĩ mô.
  • NĐT nên ưu tiên lựa chọn những DN có chất lượng TS tốt, nhiều tiền mặt để xem xét đầu tư. Ngành Xây dựng đang bị phân mảnh nên vẫn còn dư địa cho 1 “ông” DN vươn lên đứng đầu – đây chính là cơ hội cũng như là thách thức cho các NĐT!