Bài Học Khởi Nghiệp Thực Tế
Đăng bởi:Havavan Havavan - 31/07/2022
Công thức thực tiễn để khởi nghiệp thành công
Tôi vừa nhận được thư của GS. John Vu bài viết hay, rất hữu ích, xin được đưa lên để mọi người tham khảo, chiêm nghiệm.
“ Trong các trường đại học, “Huyền Thoại” về những sinh viên bỏ học, khởi nghiệp thành công, trở thành những tỷ phú nổi tiếng như Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg thường được các thầy cô nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tại các trường đại học Hoa Kỳ, Khởi nghiệp - Startup là một trong những lớp có đông sinh viên nhất.
Hôm đó, trong lớp dạy khởi nghiệp, một sinh viên hỏi tôi: “Tại sao chỉ một số ít người khởi nghiệp thành công, đa số đều thất bại. Chắc phải có bí mật nào đó? Để làm cho lớp học vui hơn, tôi xác nhận: “Có chứ, có công thức bí mật đấy. Nếu theo công thức này, các em hoàn toàn có thể trở thành một Steve Jobs hay Bill Gates thứ hai.” Cả lớp chợt cười ầm cả lên vì nghĩ rằng đó là chuyện đùa.
Tôi quan sát cả lớp và nói: “Tôi không nói đùa đâu, tôi sẽ dạy công thức này hôm nay.” Khi cả lớp tỏ ra tò mò. Tôi giải thích: “Khởi nghiệp thành công không phải chỉ bằng ý tưởng. Ai cũng có thể có ý tưởng hay nhưng điều đó không đủ, vì cần một “công thức bí mật” nữa. Nhiều sinh viên tin rằng nếu có khả năng kỹ thuật, tạo ra sản phẩm mới thì họ có thể khởi nghiệp. Điều đó không đủ, vì họ phải biết lập kế hoạch, kiểm nghiệm, thực thi, tiếp thị và lập thế cạnh tranh mới có thể thành công được. Các yếu tố này đều nằm trong “công thức bí mật” mà tôi sẽ truyền lại hôm nay.”
Cả lớp tỏ ra chăm chú lắng nghe hơn. Tôi khôi hài nói tiếp: “Hôm nay tôi sẽ dạy công thức của “Sư phụ Steve Jobs” truyền lại.” Cả lớp cười ầm lên thì tôi nói tiếp: “Đây là công thức bí mật: “Hãy giải quyết vấn đề mọi người cần và sẵn sàng trả nhiều tiền cho giải pháp của bạn.” Tôi yêu cầu cả lớp nhắc lại câu này vài lần để nhập tâm. Mọi sinh viên vừa cười vừa đọc vì họ vẫn nghĩ rằng tôi đang đùa với họ.
Khi cả lớp yên lặng, Tôi giải thích: “Khi xưa, Steve Jobs đã dùng công thức này để giải quyết vấn đề mà mọi người cần: Họ cần máy tính để làm một số việc nhỏ như tính toán, chi thu sổ sách nhưng không thể mua máy tính lớn của IBM, với vô số chức năng, trị giá hàng triệu đô là. Steve đã chế tạo máy tính nhỏ, có thể làm một số điều mà mọi người cần, với giá bán khoảng ba nghìn đô la. Chỉ trong vòng vài năm, ông ấy đã bán được hàng triệu máy tính Apple và thâu tóm thị trường. Nhờ thế, Apple đã tiêu diệt hầu hết các công ty máy tính lớn. Ngay như hãng khổng lồ IBM cũng sắp đóng cửa, nếu không có phần mềm của Bill Gates cứu thì chắc cũng sập tiệm luôn rồi.”
Cả lớp chăm chú lắng nghe nhưng có lẽ chưa hoàn toàn tin hẳn. Tôi dẫn chứng: “Google cũng sử dụng công thức này. Vào lúc đó, Google không phải là công ty tìm kiếm - Search Engine đầu tiên. Trên thị trường đã có vài chục công ty hoạt động như Web Crawler, Lycos, Altavista và Yahoo nhưng đa số khó dùng thuận tiện. Các công ty này đòi người dùng phải trả tiền sử dụng sản phẩm của họ. Google giải quyết vấn đề này bằng việc làm cho nó có chức năng cực dễ dùng, mà không đòi hỏi tiền sử dụng nào cả.
Trong thời gian ngắn, Google thâu tóm thị trường, tiêu diệt mọi công ty cạnh tranh và phát triển thành công ty lớn nhất. Tuy nhiên đó chỉ là một nửa công thức: “Giải quyết vấn đề mọi người cần.” Phần sau Google kiếm tiền bằng cách nói với thân chủ quảng cáo rằng: “Khi mọi người tìm kiếm gì đó liên quan tới sản phẩm của các ông, chúng tôi sẽ dùng thuật toán đặc biệt hiển thị ngay quảng cáo đó cho người dùng. Tuy nhiên các ông không phải trả tiền cho đến khi người dùng bấm nút truy cập vào mạng - website của các ông - Pay by Click. Điều này hiệu quả hơn là những quảng cáo hiện lên ngẫu nhiên. Một người tìm mua sách sẽ không chú ý tới quảng cáo xe hơi. Khi mọi người bấm nút vào quảng cáo mà họ quan tâm vì họ muốn mua thứ đó thì Google mới lấy tiền. Do đó các thân chủ quảng cáo sẵn sàng trả cho Google rất nhiều tiền. Đây là cách kiếm tiền rất hiệu quả của Google vì họ biết rõ công thức bí mật này.
Cho đến khi đó, cả lớp mới lặng người hiểu hết các yếu tố quan trọng của khởi nghiệp: Ý tưởng không đủ, kỹ thuật không đủ, mà phải có nhiều khách hàng sẵn sàng trả tiền, mới đưa khởi nghiệp đến chỗ thành công. Sau đó tôi tóm tắt bài giảng cho cả lớp:
Nếu các em dự định khởi nghiệp thì phải tự trả lời các câu hỏi:
1) Giải pháp của mình có giải quyết vấn đề nhiều người cần không? (Giá trị sản phẩm)
2) Bao nhiêu người cần giải pháp này? (Kích cỡ thị trường)
3) Những người này là ai? (Nhận diện khách hàng)
4) Làm sao liên lạc với họ? (Cách tiếp xúc với khách hàng)
5) Họ sẵn lòng trả bao nhiêu? (Thu vào ra sao?)
6) Hoạt động này tốn bao nhiêu? (Chi ra bao nhiêu?)
7) Giải pháp có tốt hơn những giải pháp khác không? (Chất lượng)
8)Giải pháp hiện có cần bằng sáng chế để tránh việc sao chép, ăn cắp tài sản trí tuệ sáng tạo hay không? (Lập thế cạnh tranh).
Bằng việc trả lời những câu hỏi đơn giản nhưng rất thực tế thiết thực này, các em sinh viên có thể chủ động kiểm nghiệm ý tưởng của mình để xác định họ có nên khởi nghiệp lúc này hay chưa.”
Nguồn: GS. John Vu - Nguyên Viện Trưởng Viện Công Nghệ Sinh Học ĐH Carnegie Mellon - Hoa Kỳ.