KIỂM SOÁT QUY TRÌNH NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ TẬN DỤNG COPHA NHÔM
Đăng bởi:Havavan Havavan - 23/10/2021
**** Thuê mới và tận dụng là hai xu hướng tất yếu của coppha nhôm hiện nay. Tuy nhiên để phát huy được hiệu quả thật sự không phải đơn vị nào cũng làm được. Bên cạnh những công ty lớn có thâm niêm sử dụng coppha nhôm đã xây dựng và áp dụng những quy trình khoa học thì còn lại hầu hết đều thực hiện qua loa hoặc thiếu chuyên nghiệp.
Bài viết này mình xin nêu một số quy trình nhằm tối ưu được khả năng tận dụng của coppha nhôm.
Thế nào là tận dụng coppha nhôm thiếu hiệu quả ?
Hiệu quả tận dụng quyết định bởi tỉ lệ tái sử dụng coppha nhôm từ công trình hoàn thành đến công trình đang thi công. Tỉ lệ này thấp hơn khả năng thật sự đồng nghĩa hiệu quả tái sử dụng thấp. Tuy nhiên khi có được hệ số reusing cao nhưng quy trình quản lý chuyển giao không đồng bộ gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công thì không thể đánh giá kết quả khả quan được. Sau đây là một số nguyên nhân :
- Coppha nhôm hư hỏng với số lượng lớn sau khi sử dụng công trình đầu tiên
- Không hoặc thiếu kiểm soát chi tiết từng loại cấu kiện cùng tỉ lệ hư hỏng để phục vụ công tác bảo trì sửa chữa
- Bảo quản, đóng kiện sai quy định gây khó khăn cho việc sử dụng tại hiện trường
- Tận dụng coppha nhôm trực tiếp từ công trình khác chưa qua kiểm tra thống kê
- Thiếu công tác giám sát, rà soát.
Dựa trên những nguyên nhân này, mình gợi ý một số quy trình quản lý điển hình cho một chu kỳ tái sử dụng coppha nhôm.
Tại hiện trường thi công coppha nhôm
Để giảm thiểu hư hỏng sau khi sử dụng, cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản như: Tháo lắp đúng kỹ thuật, sử dụng dầu lăn, dụng cụ tháo theo yêu cầu. Quan trọng hơn hết là cơ chế giám sát và chế tài xử lý cụ thể.
Đội nhóm thi công coppha nhôm cần có kinh nghiệm hoặc được đào tạo, training trước khi triển khai.
Bên cạnh đó cần có hình thức xử phạt các vi phạm nếu thi công không đúng quy trình, không sử dụng dụng cụ chuyên dụng, gây hư hỏng coppha nhôm.
Công tác vệ sinh sau khi tháo dỡ : Vệ sinh ngay sau khi tháo dỡ coppha nhôm. Chỉ sử dụng búa để loại bỏ bê tông khối lớn, dùng sủi để loại bỏ khối bê tông nhỏ hơn
Công tác lăn dầu nhớt bão dưỡng chống bám dính: Sử dụng dầu lăn chuyên dụng và cây lăn có cán dài. Lăn bảo dưỡng trước khi ghép ván khuôn tiếp theo cho tấm coppha vách. Đối với tấm cốp pha sàn có thể lăn trước hoặc sau. Đặc biệt không được sử dụng nhớt thải đen để lăn bảo dưỡng bề mặt coppha nhôm.
Thống kê và lưu giữ coppha nhôm không sử dụng : Thu gom các cấu kiện không tiếp tục sử dụng khi thay đổi kết cấu hoặc thay đổi tầng. Tiến hành phân loại, kiểm đếm trước khi đưa vào kho bảo quản. Có thể chuyển trả nếu khối lượng lớn.
Phân loại đai kiện sau khi cất nóc dự án: Ngay trên tầng mái sẽ tiến hành phân loại dần dần từng chủng loại, ưu tiên các tấm vách, sàn điển hình. Cần bố trí đủ mặt bằng để tập kết coppha nhôm, nhân lực, dụng cụ (dây đai, bình sơn xịt, bullet, hồ sơ,..) để phân loại và đai kiện theo từng quy chuẩn.
Lưu ý : Công tác đai kiện và nhận dạng phải được tiến hành trước khi điều chuyển và có xác nhận của bộ phận giám sát thiết bị.
Sau khi đai kiện lấy sơn hoặc bút xóa ghi số lên kiện. Trên phiếu ghi theo thứ tự kiện và chi tiết quy cách, tên gọi.
Công tác chuyển trả : Nên phối hợp với bộ phận vận chuyển, kho vận liên quan để chuyển trả vật tư. Cần chụp thùng xe, 2 bên hông xe và thấy rõ biển số, hiện trạng sắp xếp coppha trên xe nhằm kiểm sót các vi phạm về an toàn và hư hỏng vật tư coppha nhôm.
Đối với các cấu kiện coppha nhôm có kích thước nhỏ như PH, EB, MB,..Cần kiểm điếm đo đạc, sau đó tập kết vào các box (cấu tạo từ tấm vách, CA,..). Phải đánh số kiện và bảng kê chi tiết như bình thường.
Các kiện này có thể chuyển trả sau do mất nhiều thời gian để kiểm kê. Nếu không giám sát cẩn thận, tỉ lệ hao hụt và hiệu quả tái sử dụng thấp phần lớn nằm ở công tác này. Do vậy cần lên danh sách chi tiết để dễ dàng quản lý khi nhập kho và bảo trì.
Tại kho vật tư thiết bị
Để đảm bảo các tấm coppha nhôm có thể sử dụng lại được tại dự án mới trong điều kiện tốt nhất có thể, cần làm mới lại chúng sau mỗi dự án. Sau khi coppha nhôm được chuyển trả từ công trường, phải hệ thống hóa dữ liệu vật tư bằng phần mềm (bảng tính) để tiện lợi khi trích xuất. Công tác quan trọng sau đó là phân loại, kiểm tra, đánh giá chất lượng.
Tại khu vực kho bãi phải tập kết theo từng chủng loại để tiện quản lý và phục vụ công đoạn bảo trì sửa chữa, làm mới để tận dụng coppha nhôm.
Làm sạch coppha nhôm bằng các phương pháp như dùng sủi (búa), hóa chất, máy phun áp lực cao hoặc hệ thống máy công nghiệp để loại bỏ bê tông, rỉ sét trên bề mặt ván khuôn.
Xem thêm : Các biện pháp vệ sinh coppha nhôm
Công tác bảo trì sửa chữa gồm các công việc chính:
- Nắn phẳng bề mặt bằng bàn ép
- Hàn gia cố, đục lỗ nếu cần
- Đánh bóng bề mặt, mài cạnh
- Sơn phủ bề mặt
Nghiệm thu, bảo quản:
- Kiểm soát, nghiệm thu lại số lượng chi tiết
- Dán nhãn hoặc ghi chú ký hiệu kích thước lên từng cấu kiện copha nhôm
- Chất vào cây, đai kiện theo quy định
- Lên kế hoạch tận dụng coppha nhôm cho từng dự án cụ thế, tránh trùng lặp, thiếu sót.
Tại hiện trường dự án mới
Số lượng vật tư tồn kho được quản lý chặt chẽ thông qua hệ thống dữ liệu. Có thể truy xuất kịp thời phục vụ việc tái sử dụng cho công trình mới. Sau khi tiếp nhận danh sách yêu cầu từ bộ phận thiết kế cần nghiệm thu nội bộ trước khi xuất hàng. Quy trình tập kết đai kiện cũng phải đảm bảo đúng kỹ thuật để không làm hư hỏng coppha nhôm.
Mỗi kiện hàng phải đặt tên và đính kèm danh sách chi tiết để tiện kiểm đếm tại hiện trường.
Tóm tại
Hiệu quả tận dụng coppha nhôm phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản lý và quy trình vận hành của mỗi đơn vị. Cần phải đảm bảo nguyên tắc : Làm đúng ngay từ đầu.
Ngoài quy trình như mình gợi ý trên, nhằm tối ưu hiệu quả tận dụng coppha nhôm cần bổ sung thêm một số lưu ý:
- Nhân lực thực hiện cần được đào tạo chuyên môn cơ bản
- Công nghệ hóa công tác nhập số liệu và quản lý vật tư
- Dữ liệu coppha nhôm nên đồng bộ theo các đơn vị cung cấp để dễ dàng đối chiếu. Như ký hiệu, tên gọi, kích thước
- Phân loại với độ chính xác cao, tránh nhầm lẫn giữa các cấu kiện có kích thước giống nhau nhưng khác nhau quy cách khoan lỗ, notching
- Kiểm soát kịp thời các yếu tố nảy sinh như chậm tiến độ giao hàng, sai số lượng nhập liệu
- Giám sát chặt chẽ từng bước của quy trình nhằm hạn chế rủi ro và phát sinh cho các bước kế tiếp
- Phối hợp chặt chẽ với đơn vị cung cấp, thiết kế coppha nhôm để đưa ra phương án thiết kế tối ưu khả năng tái sử dụng.